Theo nhận định của Bộ Công Thương, thời gian qua, chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu bị gián đoạn do tác động của dịch COVID-19. Nhưng từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình đã từng bước cải thiện, các nước châu u từng bước mở cửa trở lại đối với nền kinh tế.
Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng các ban ngành địa phương đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung. Trong đó, việc khơi thông thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản được triển khai rất mạnh mẽ. Trung Quốc là thị trường đầu tiên được nhắm tới với sự kiện mở đầu là Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc, thu hút sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hai bên.
Đặc biệt, để xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang ở thị trường trong nước và quốc tế trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày 6/6, UBND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020 được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này sẽ tạo động lực cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ trưởng Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước đôn đốc kiểm tra tại các địa phương, đảm bảo sự chủ động của Bộ Công Thương cung ứng đầy đủ hàng hóa, tại bất kỳ địa phương nào, ở bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ diễn biến nào. Các Vụ thị trường nước ngoài nghiên cứu, đánh giá thị trường trong năm 2020 để có thông tin cập nhật bổ sung kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao các Thứ trưởng tổ chức làm việc với Ngân hàng Nhà nước đánh giá tác động khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩn: dệt may, da giày, gỗ, điện tử, ô tô… xác định khó khăn thị trường, tài chính tín dụng… để có cơ sở xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại điện tử; Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ thị trường nước ngoài đánh giá cơ chế và biện pháp khắc phục để phát triển thị trường và chuỗi cung ứng (điện tử, đồ gỗ, chế biến nông sản, thủy sản, chế biến, chế tạo…); Cục Phòng vệ thương mại nghiên cứu tồn kho hàng hoá của các nước để có biện pháp phòng vệ và phổ biến tới doanh nghiệp trong nước.
Thực tế cho thấy, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.
Hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Theo Nikkei, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 – 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn – nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.